-->

11 Dốc Hàng Than - Ba Đình - Hà Nội

TẤT TẦN TẬT VỀ BÁNH PHU THÊ (XU XÊ)

Chào cả nhà,

Dạo này trời ấm, cây cối bắt đầu đâm trồi nảy lộc, cỏ bắt đầu xanh khiến 2 mẹ con tớ vui quá. Lúc nào cũng có thể ra ngoài hưởng thụ khí trời, khí xuân. Nói tới đây tự dưng tớ lại nhớ tới một món bánh không liên quan tới mùa xuân lắm nhưng lại liên quan những sự kiện thường diễn ra vào mùa xuân. Đó là việc cưới hỏi. Lễ vật cưới hỏi ai cũng nhớ ngay tới không chỉ lá trầu miếng cau mà còn các loại bánh thơm ngon như bánh xu xê (su sê) hay bánh phu thê.

Cái tên bánh phu thê đã nói lên rất nhiều ý nghĩa. “Phu thê” trong tiếng Hán có nghĩa là “vợ chồng”. Khi chuẩn bị viết bài này, tớ có ngồi đọc và tìm hiểu kĩ hơn về sự tích bánh phu thê. Mới vỡ lẽ ra là có 2 loại bánh phu thê phổ biến. Một loại bánh phu thê ở kinh Bắc, làng Đình Bảng, Bắc Ninh – quê hương nhà Lý. Một loại bánh phu thê khác ở Huế. Hai loại bánh phu thê này nhìn thoáng có vẻ giống nhau nhưng kì thực ra lại khác nhau rất nhiều ^^.

Bánh Phu thê (Xu Xê) cho ngày xuân thêm vui

Bánh phu thê ở Đình Bảng được gói bằng một lớp lá chuối rồi một lớp lá dong. Nhân bánh là đậu xanh cùng với dừa nạo và đường. Vỏ bánh làm rất kì công với công đoạn phơi bột nếp lọc và được nhuộm màu vàng tự nhiên của quả dành dành (khá giống màu đen của bánh Gai là làm bằng lá gai). Ngoài ra, vỏ bánh có độ giòn không phải từ dừa nạo mà lại là đu đủ nạo (cái này tớ rất bất ngờ khi tìm hiểu vì khi ăn không thấy mùi gì mà mùi thơm của dừa từ nhân lẫn ra cả ngoài khiến cứ tưởng là dừa nạo).

Còn bánh phu thê ở Huế thì lại được hấp vào trong một cái hộp làm bằng lá dứa rất cầu kì. Nhân bánh cũng khá giống nhân bánh phu thê ở Đình Bẳng. Sự khác biệt lớn là vỏ bánh làm bằng bột lọc (hoặc bột năng) và dừa nạo. Bánh truyền thống thì không làm màu gì cả, để trong suốt nhìn thấy nhân vàng bên trong.

Tuy hai loại bánh phu thê có cách làm khá khác nhau nhưng theo tớ nhớ khi được thưởng thức thì ấn tượng ăn lại khá giống nhau vì vỏ bánh đều trong nhưng có đồ sận sật của đu đủ hoặc dừa nạo. Nhân bên trong béo ngậy của đậu xanh và thơm nức mùi dừa. Túm lại, bánh phu thê với tớ là rất ngon mà rất hiếm khi mới được ăn. Khi tìm hiểu cách làm truyền thống thì tớ thấy khả năng làm được giống hệt ở VN với tớ là hơi khó.

Bánh Phu Thê (Bánh Xu Xê) theo kiểu hiện đại

Vì thế, hôm nay tớ xin giới thiệu với cả nhà các làm có phần cách điệu và phù hợp với người nước ngoài cũng như những người không có nhiều thời gian. Tuy vậy, bánh phu thê kiểu hiện đại này ăn cũng rất ngon nhé cả nhà ;) Tớ cho bạn ăn thử còn nói: “Ơ, như thật thế này có khi không cần phải về VN ăn ý :P”… Tớ thì vui vì có khi về VN kiếm được bánh phu thê chính hiệu cũng không hề dễ chút nào hehe… Phần nhân bánh thì tớ vẫn giữ nguyên khá giống kiểu truyền thống, còn phần vỏ bánh thì tớ làm bằng bột năng khá giống kiểu bánh Huế nhưng tớ không có lá dứa nên chỉ hấp vào một cái bát nhỏ, sau đó mang ra gói giấy bọc thực phẩm lại là xong. Vì phần vỏ bánh muốn có mùi thơm của lá dứa nên tớ dùng panda extract vừa có màu vừa có mùi thơm (không có loại extract nào của lá chuối hay lá dong nên lá dứa panda extract là lựa chọn số 1 :D).

  1. Nguyên liệu: Cho khoảng 10 cái bánh
  • Nhân bánh
    • ¼ cup đậu xanh cà vỏ (mung bean)
    • 1 Tablespoon đường
    • ½ Tablespoon dầu ăn (vegetable oil)
    • ½ teaspoon vanilla
    • 2 Tablespoons dừa nạo hoặc dừa khô (shredded coconut flake) (Tớ không có dừa tươi nạo nên dùng dừa khô nạo sẵn của chợ Mỹ dùng cũng thơm và khá ngon)     
  • Vỏ bánh:
    • 1 cup bột năng (tarpioca starch)
    • 1 cup nước (240 ml)
      • ¼ cup đường
      • 1 teaspoon dầu ăn + dầu ăn để tráng khuôn
      • ¼ cup dừa khô (shredded coconut flake)
      • Vài giọt nước lá dứa màu (panda extract)
    • Dụng cụ cần: chõ hấp, bát nhỏ đựng nước chấm (bát làm bánh bèo) và giấy bọc thức ăn (Plastic wrap)
    • Cách làm:
    • a. Nhân bánh:

Đậu xanh ngâm nở (khoảng 8 -12 tiếng), rửa sạch rồi cho vào hấp chín. Cho vào nồi nấu đậu xanh cũng được nhưng tớ thấy nếu hấp thì đậu xanh sẽ vừa, không bị nhão hoặc khô quá.

Hấp chín đậu xanh

Cho đậu xanh chín vào máy xanh lúc còn ấm nóng và đường rồi xay nhuyễn. Có thể dùng thìa dằm đậu xanh khi còn nóng giống như trong bài làm bánh chay.

Xay nhuyễn đậu xanh với đường

  • Bắc chảo lên bếp cho dầu ăn vào rồi cho đậu xanh vào đảo đều ở lửa nhỏ vừa. Bước này gọi là sên đậu xanh giúp cho đậu xanh nhuyễn đều và mềm, thơm hơn. Nếu ai vội cũng có thể bỏ qua bước này.

Trộn dừa khô hoặc dừa nạo và vanilla vào đậu xanh cho đều rồi nặn nhân đậu xanh thành những viên nhỏ (Tầm khoảng 10 viên).

Sên nhân đậu xanh, trộn với dừa và nặn thành viên

  • b. Vỏ bánh:

Trộn bột năng, đường, nước và dầu ăn vào một cái bát. Cho thêm vài giọt nước lá dứa màu (panda extract). Dùng đũa đánh đều khoảng vài phút để cho bột nở. Sau đó đậy bột lại và để bột nghỉ khoảng 30 phút.

Trộn bột, đường, nước

Đổ bột vào chảo không dính rồi bật bếp ở lửa nhỏ vừa, đảo đều tay cho tới khi bột bắt đầu nặng tay thì tiếp tục đảo cho tới khi bột gần chín thì tắt bếp. Bước này khá giống cách làm bánh bột lọc.

Cho bột lên bếp đun cho tới khi bột gần chín thì tắt bếp và trộn dừa vào

  • Cho ½ chỗ dừa nạo hoặc dừa khô vào đảo cùng nhân. Tớ để nửa chỗ dừa khô còn lại để lát gói bánh rắc lên bề mặt sẽ nổi và đẹp hơn.
  • c. Cách gói và hấp bánh:

  • Chuẩn bị sẵn chõ hấp và bật bếp để chõ hấp nóng sẵn.

Quết dầu ăn lên bát nhỏ. Sau đó, rắc một ít dừa khô lên trước.

Quết đầu ăn chống dính vào bát nhỏ rồi rắc ít dừa lên

Lấy khoảng 1 thìa bột rồi phết một lớp mỏng xuống bát. Đặt nhân vào giữa rồi tiếp tực phết lên một lớp bột nữa. Tớ dùng tay kéo bột để chỉnh cho dễ. Rắc thêm một ít dừa khô lên trên mặt bột. Lưu ý: chỉ phết một lớp bột mỏng thì bánh mới ngon và không bị dai quá.

Cách quết bột bánh và cho nhân vào trước khi hấp

Sau đó đem xếp vào xửng hấp khoảng 7 – 10 phút hoặc cho tới khi bánh trong là bánh chín.

Hấp bánh chín khoảng 7 – 10 phút

  • Bánh chín để nguội rồi trải sẵn giấy bọc thức ăn (plastic wrap), lấy bánh ra khỏi khuôn rồi đặt vào giấy bọc. Gói bánh lại thành hình vuông. Điều chỉnh bánh cho vuông vức và đẹp mắt.

    Lấy bánh ra khỏi khuôn và gói bánh bằng màng bọc thực phẩm

  • Bánh làm ra nhìn cũng ngon mắt không kém gì bánh làm theo cách truyền thống. Khi ăn thấy được vỏ bánh dai nhưng cũng có độ sần sật của dừa. Nhân bánh thơm nức, béo ngậy. Cắn một miếng lại muốn cắn miếng tiếp theo và chỉ trong vòng nhánh mắt là hết sạch cái bánh hehe…

    Cắn miếng bánh Phu thê thơm ngọt, béo ngậy

    Nói thêm một chút cùng cả nhà về sự tích bánh phu thê và cũng là để lưu lại sau này kể chuyện cho con nghe :P Có khoảng 3 sự tích về bánh phu thê nhưng tớ thích nhất tích của đôi vợ chồng người lái buôn.

    Mời cả nhà cùng thưởng thức bánh Phu thê và đọc sự tích bánh

  • Chuyện kể rằng có một đôi vợ chồng lái buôn, chồng thường xuyên phải đi xa làm ăn. Vợ ở nhà thương nhớ chồng nhưng vẫn rất tin tưởng chồng. Mỗi lần trước khi chồng lên đường đi xa thì vợ lại làm một loại bánh rất đặc biệt thơm ngon cho chồng. Vợ dặn: lòng vợ cũng giống như những chiếc bánh, luôn ngọt ngào, đậm đà và thương yêu chồng. Chồng rất cảm động khi nghe và thưởng thức những chiếc bánh này.Tuy vậy, đường xa đường dài, chồng lại không đứng vững được nên nhiều lúc đã bị nghiêng ngả bởi vẻ đẹp của các cô gái khác và không muốn về bên vợ nữa. Người vợ ở nhà như được linh tính báo cho nên cảm thấy sốt ruột. Nàng bèn làm một cặp bánh thật ngon và gửi đi cho chồng kèm hai câu thơ sau:

    “”Từ ngày chàng bước xuống ghe
    Sóng bao nhiêu đợt bánh phu thê rầu bấy nhiêu”.

    Ngay khi nhận được bánh và lời nhắn của vợ, người chồng như thức tỉnh khi nhận được tình cảm và tấm lòng của vợ. Những chiếc bánh ngọt ngào, vừa dai vừa mềm lại vừa thơm béo được gói lại và cột dây màu đỏ như thể hiện tình nghĩa vợ chồng son sắt. Người chồng lập tức quay về với vợ và từ đấy hai vợ chồng sống bên nhau hạnh phúc.

    Bánh đó vì vậy được gọi là bánh phu thê – có ý nghĩa tượng trưng cho các cặp vợ chồng. Trong các đám cưới hỏi chính vì vậy không thể không có bánh xu xê (Bánh phu thê) để mong cho các cặp vợ chồng luôn luôn hạnh phúc, gắn bó thuỷ chung như những chiếc bánh ngọt thơm vậy.

    Chúc các cặp vợ chồng lúc nào cũng thuỷ chung son sắt như câu chuyện Bánh Phu Thê

0844.946.222
Bánh cốm Nguyên Ninh
0844.946.222
Bánh cốm Nguyên Ninh